Quyên

091.416.4733
 

Khánh Vi

091.415.7325

Nguyễn Hưng

090.370.3374

Chọn đồ gốm sứ an toàn

Trong khi các cơ quan chức năng vẫn chưa có câu trả lời về gói “lạ” trong chiếc đĩa hoa hồng của Trung Quốc thì trước đó, các nhà khoa học Việt Nam đã từng khuyến cáo về chì chứa trong đồ gốm sứ có thể làm tổn thương não, đau cơ khớp, giảm IQ trên người.


 


Càng loè loẹt càng độc hại

Theo TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học - Thực phẩm, qua các thí nghiệm cho thấy đồ gốm sứ có hoa văn càng sặc sỡ thì hàm lượng chì càng lớn. Loại gốm sứ thủ công rẻ tiền quy trình không chuẩn, do bị cắt giảm chi phí, thời gian nung thì càng độc. Độ thôi nhiễm chì càng cao khi đựng đồ ăn nóng, chua, nước hoa quả... bởi nhiệt, axít, kiềm muối làm chì nhanh giải phóng, thôi nhiễm vào thức ăn và gây độc cho cơ thể. “Người dân nên cẩn trọng với những ly, cốc độc đáo làm quà tặng bởi hoa văn được dán, vẽ lên men chỉ nung ở nhiệt độ thấp để giữ màu nên không loại bỏ được độc tố chì” - TS Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo.

Ngoài chì, đồ gốm sứ còn có chất Cadimi và hợp chất của nó được phân loại là chất gây ung thư, khi vào cơ thể chất này đảo thải rất chậm dẫn đến việc sẽ tích tụ trong gan, thận. Người bị nhiễm độc Cadimi nhẹ sẽ bị tiêu chảy, ói mửa, mệt mỏi, đau đầu và rối loạn thần kinh… lâu dần dẫn đến suy gan, tổn thương tim, thận và tuần hoàn.

Sở dĩ chì, Cadimi có trong gốm sứ là do một số nhà sản xuất đã pha thêm chì ôxít, hoặc chì ôxít được frit hóa vào hỗn hợp men mầu, nhằm làm giảm chi phí, giảm thời gian nung, nhiệt độ nung, tăng khả năng bám dính, tăng độ sắc nét của hoa văn.

Không chỉ nhiễm độc chì, frit qua đường tiêu hoá (đựng thức ăn trong đĩa bát nhiễm chì), TS. Trần Hồng Côn, Khoa Hóa (ĐHQG Hà Nội) cho rằng, hàm lượng chì ở ly, cốc, bát đĩa có thể xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp và qua da khi cầm, nắm sản phẩm. “Nếu thâm nhập và tích lũy trong cơ thể sẽ ảnh hưởng đến hệ thần kinh, máu, gây nhiễm độc nặng, thậm chí tử vong. Nếu tiếp xúc với môi trường axít, kiềm hoặc nhiệt độ cao các nguyên tử bề mặt có xu hướng tách ra hòa lẫn vào thực phẩm, nước. Nhiệt càng cao, chì càng bị kích hoạt tách ra nhiều hơn”- TS Trần Hồng Côn cho biết.

Nên dùng loại nào?

Các chuyên gia hóa học cho rằng, để dùng đồ gốm sứ dân dụng an toàn trong sinh hoạt hàng ngày cần chú ý tới 2 thông số là thành phần hóa học của men và nhiệt độ nung, nhưng 2 thông số này ít nhà sản xuất cung cấp, nên rất khó lựa chọn. Để dễ dàng hơn, TS Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo người dân nên chọn màu men sứ trắng, nước men mịn, trắng trong và bóng láng, có độ thấu quang cao, chịu nhiệt và va chạm tốt, không thấm nước. Bởi gốm sứ tốt không chứa chì và Cadimi thường có lớp men mịn, bóng loáng, ít chấm đen nhỏ, không nhăn nhúm, hoa văn có lớp phủ bảo vệ để không bị trầy tróc, chịu nhiệt cao từ nóng sang lạnh và ngược lại. Hàng gốm sứ kém chất lượng thường nung ở nhiệt độ thấp để giữ được màu sắc tươi đẹp, do đó không loại hết được chất chì, Cadimi vì phải dán đề can, vẽ trên men nhưng không có lớp men phủ bảo vệ, sờ vào thấy nhám tay, chi tiết hoa văn và màu nổi cộm trên mặt men. Loại này đựng thực phẩm nóng, hoặc có tính axit thì độc tố chì, Cadimi sẽ thôi ra ngấm vào thức ăn rất độc hại. Với loại gốm sứ rẻ tiền này tuyệt đối không dùng trong lò viba và máy rửa chén. Tránh dùng đồ gốm sứ gia dụng trôi nổi, không rõ nguồn gốc, màu sắc hấp dẫn, hoa văn loè loẹt vì dễ có độc tố gây hại cho sức khỏe, nhiệt độ nung chưa đạt chuẩn nên dễ lẫn tạp chất.

Nên hạn chế dùng đồ sứ gia dụng tráng men màu trong lòng. Nếu thấy đồ sứ gia dụng bị sần sùi, bong tróc lớp men bóng, hoặc rạn nứt thì nên thay đồ mới.

Bảo quản và sử dụng gốm sứ:

* Nên:

- Nấu trong nồi nước muối 15 phút với đồ gốm sứ mới mua để giữ bền, hoặc ngâm trong dấm sẽ tan bớt lượng chì.

- Ngâm vào nước pha chanh 10-15 phút để đồ gốm sứ sáng bóng. Đồ gốm sứ cáu bẩn, xỉn màu hãy dùng bột có men (dùng làm bánh mì) pha với nước, lau qua lên bề mặt. Lát sau dùng giẻ mềm lau lại sẽ sáng bóng.

- Chọn bát đĩa nên chọn loại có màu men sứ trắng, nước men mịn và bóng láng.

* Không nên:

- Rửa bằng chất tẩy mạnh (hoặc có tính axit như chanh, dấm, javel) vì men nhanh xuống màu.

- Dùng miếng rửa kim loại, cát vì dễ xước, bong tróc lớp men và viền – mạ kim loại. Muốn làm sạch, hãy dùng giẻ mềm thấm xà phòng, tro mịn, hoặc mùn cưa để cọ rửa. Nếu đồ viền kim loại - mạ vàng không nên rửa bằng máy rửa chén, không dùng trong lò viba.

- Muối dưa, cà, trữ thực phẩm trong bình sứ, gốm tráng men.

- Trữ thực phẩm trong đồ gốm tráng men mà không biết đó là loại men gì.

- Phụ nữ mang thai nên tránh sử dụng hàng ngày đồ uống nóng trong cốc gốm. Không sử dụng bát đĩa khi thấy lớp men bị mòn nhanh.


Nguồn Trà Giang