Quyên

091.416.4733
 

Khánh Vi

091.415.7325

Nguyễn Hưng

090.370.3374

Tin tức

Tin tức

Những trò chơi giúp bé bớt hiếu động, tập trung hơn

Trẻ luôn tràn đầy năng lượng và có thể chơi liền trong một thời gian dài, đôi khi thậm chí chỉ là sắp xếp đồ chơi, lôi ra hay cất vào.

Trẻ em, đặc biệt là lứa tuổi chuẩn bị đến trường rất khó giữ yên lặng hoặc ngồi không. Để giữ trẻ yên lặng thật không dễ dàng. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ có thể suy nghĩ theo chiều hướng khác, không chỉ để trẻ yên lặng trật tự, mà còn lôi cuốn trẻ vào những hoạt động có ích.

Tuy có những hoạt động tích cực và thú vị có thể giữ trẻ tập trung chơi một mình, nhưng cha mẹ hãy nhớ đừng để con một mình quá lâu. Điều này có thể khiến trẻ cảm giác bị bỏ rơi và sau đó sẽ mất thói quen chơi cùng cha mẹ. Bất kì khi nào bạn cho con thời gian “tự chơi một mình”, hãy chắc chắn rằng bạn ở đủ gần để quan sát, thi thoảng hỏi han và khích lệ. Hơn nữa, nhiều trường hợp trẻ có thể chơi không đúng cách, hoặc nuốt đồ chơi (mảnh lego, mảnh xếp hình, đồ chơi màu sắc và có mùi thơm, vv..vv). Phụ huynh nên dặn dò con cách chơi phù hợp để tránh những tình huống đáng tiếc xảy ra.

Bạn có thể tham khảo 6 hoạt động giúp trẻ có thể độc lập chơi dưới đây:

1. Trò chơi đất nặn

Tạo hình khối khác nhau theo trí tưởng tượng kích thích sự sáng tạo của trẻ và trẻ có thể thử nhiều lần không chán. Nặn đất sét phù hợp với mọi lứa tuổi và đặc biệt với những trẻ ở độ tuổi trước khi đến trường (4-6 tuổi). Bạn có thể gợi ý trẻ nặn hình các con vật hoặc mọi người trong gia đình, điều này sẽ giúp trẻ suy nghĩ, hồi tưởng lại đặc điểm và phát huy tối đa sự sáng tạo.

2. Trò chơi xếp hay ghép hình

Xếp hình, ghép lego ghép tranh là một hoạt động mang tính sáng tạo khác. Hãy cho trẻ những hình khối bất kì để trẻ có thể tự do sắp xếp. Điều này có thể bộc lộc tư chất của trẻ rõ ràng. Ngoài ra, lắp ghép để tạo đúng hình mẫu còn giúp trẻ tư duy logic, phát triển khả năng phân tích và suy luận. Khi sớm làm quen với logic và tư duy phân tích, trẻ sẽ sớm thông minh hơn.

3. Trò chơi tình huống

Bạn có thể giữ trẻ tập trung với trò chơi tình huống. Ngoài việc giải trí, gây bất ngờ và hứng thú, trẻ còn học được cách phản xạ và áp dụng vào thực tại. Hãy cùng trẻ thử làm một cuộc gọi, một đoạn hội thoại, tưởng tượng các bước nấu ăn, đóng vai cô giáo, cha mẹ, ông bà hay bất kì tình huống thường ngày nào khác. Tạo cho trẻ cảm giác trẻ đủ trưởng thành để có thể thực sự thực hiện những hành động này. Cha mẹ có thể khéo léo lồng ghép những tình huống khẩn cấp hay nghiêm túc.

4. Trò chơi tạo hình đồ vật

Hãy đưa cho trẻ vật liệu để làm thành những đồ vật xung quanh. Bạn chỉ cần một tập giấy để gợi ý trẻ làm thành quyển lịch, hoa giấy hay thuyền nan. Hãy sử dụng vật liệu đa dạng, đa hình khối, đa màu sắc và hướng dẫn trẻ cấu trúc căn bản của đồ vật. Trò chơi còn bộc lộc khả năng nghệ thuật của trẻ nếu bạn dùng vật liệu phù hợp. Giấy màu là vật liệu hữu dụng nhất, thậm chí bạn có thể dùng giấy báo cũ và  màu vẽ. Bạn còn thể cùng trẻ làm những con rối để kể câu chuyện hay hướng dẫn trẻ làm những vật khó hơn.

5. Quan sát thiên nhiên

Sẽ là điều tuyệt vời nếu bạn có thể khơi gợi sự tò mò với thiên nhiên của trẻ từ sớm. Hãy cùng con tham gia hoạt động ngoài trời, đơn giản như đi dạo, ngắm hoa hay picnic. Bạn có thể chỉ cho trẻ các loài hoa khác nhau, hay đọc tên các loại cây. Sau đó hỏi lại con xem đã nhớ được điều gì. Hoạt động này sẽ giúp trẻ tăng khả năng tiếp thu và học hỏi khi đến trường. Thường xuyên cho trẻ tiếp xúc với thiên nhiên, trẻ sẽ nhớ được nhiều thứ khi được tiếp xúc nhiều lần.

6. Cho con tham gia việc nhà

Cha mẹ hoàn toàn có thể cho con tham gia vào việc nhà từ khi con còn bé. Bắt đầu với những việc đơn giản như gấp chăn, xếp gối hoặc dọn dẹp bàn học. Sau đó đến những việc khó hơn như sắp xếp bình hoa ở vị trí nào cho đẹp và hợp lý, hoặc sắp xếp rau quả hay bát đĩa đúng vị trí trong bếp. Hoạt động này còn giúp trẻ nhớ được tên và công dụng những vật dụng gia đình.

Nguồn: http://eva.vn/lam-me/nhung-tro-choi-nho-giup-be-bot-hieu-dong-tap-trung-hon-c10a274795.html